TTCT - Mẹ cậu hay nói về họ Thái mà cậu gắn đằng trước chữ Đình Ân bằng một giọng tơ tưởng không che giấu: - Một dòng họ danh giá nhất ở Trúc Giang đó.
Cậu tới đất ấy rồi, ghé vào nhà cha chơi nửa ngày, trong lúc chờ ông đi mua vài hộp thuốc bổ gửi cho mẹ, cậu cũng không cảm giác là mình thuộc về nơi ấy. Thậm chí cha cậu đã lái xe chở đi khắp thành phố, chỉ trỏ những cửa hiệu, siêu thị, cơ ngơi dinh thự của cô chú bên nội. Cậu hơi tức, chỉ bâng quơ vào một cửa hàng trưng bày ôtô, hỏi đây chắc là cũng của nhà mình? Và câu trả lời thật sự làm cậu mất lửa, dẹp đi mọi ý định gây gổ.
- Ừ, cái đó của vợ chồng cô Sáu.
Mẹ cậu xem tivi nghe nói Trúc Giang đang lũ, mẹ chép miệng chẳng biết nhà nội Ân có bị ngập không, phòng tranh của cha Ân có sao không. Và khi người ta nói về nạn chặt phá cây cổ thụ ở thành phố đó, mẹ lại có vẻ xa xót như cây của nhà cha cậu bị mất cắp.
- Mẹ ơi là mẹ, cứ kệ cha thiên hạ, liên quan gì mình đâu.
Cậu cằn nhằn, khoái trá khi dùng chữ “thiên hạ” chém một nhát cho đứt cái gốc gác Trúc Giang của mình. Khi ấy chưa biết Tú. Giờ thì mọi nơi cậu và Tú đi qua, nhắc tên là nghe quen thuộc như cuống nhau cậu chôn ở đó. Dù sự thật nó được vùi trong bãi rác thải y tế của thị xã Châu Thành.
Nên cậu không ngạc nhiên khi Xu chạy bạt mạng khi cột cây số ghi Đồng Nàng - 13km.
- Tôi có đứa em ở đây.
Chiếc xe có vết rạn trên sườn, từ lúc phát hiện ra, cậu cứ nghĩ một lúc nữa thì nó đứt rời, Xu và cậu mỗi thằng làm xiếc trên một cái bánh xe trước khi đo đường. Tóc Xu bắt đầu dài, quất vào rát mặt, đôi khi cậu vịn nó lại, nghe tóc chảy mềm cả búng tay. Cậu hơi dè dặt với những va chạm kiểu vậy, từ khi Bối biến mất, nhắc nhớ về mối quan hệ tạm bợ, không hề có một thứ ràng buộc nào của nhóm. Hôm nay đi cùng nhau, mai mỗi người một ngả, không chừng. Những đụng chạm đã làm cậu nhớ Bối lâu.
Đồng Nàng nằm ở chỗ sông Di bị sông Lạc cắt xéo qua như hai nét tạo thành chữ X. Bên nước bạc, bên đỏ. Người ta vẫn thấy hai màu sông ấy chảy mon men từ ngàn năm nay, như hai người cùng đi mãi mà không lấy được nhau. Trơ trơ. Mức nước vào mùa mưa lũ có khi chênh nhau vài tấc, giữa dòng xuất hiện một ngấn nước quanh co.
Chỗ ranh giới của hai làn nước có một loại ốc được ghi trong Di lưu ký (1): “Người ăn ốc Bụt Đồng Nàng ninh với tuyết tùng trên núi Puvan sẽ thọ thêm vài niên kỷ. Cảnh Thụy năm thứ nhất, hàng ngàn người ven Di Giang bị nhốt vào chuồng đốt vì đã không tìm được ốc Bụt cung tiến vua. Mùa ấy thượng nguồn rừng bị đốt trụi nên cây mần gai cũng hóa tro, ốc Bụt theo đó không xuất hiện nữa. Vua nói ốc Bụt không còn thì yến tiệc cũng chẳng có nghĩa gì, nên tìm vui vào việc giết dân đen bằng những cực hình tai quái”.
Tương tàn ngoại sử (2) lại có một đoạn viết “Yến tiệc tàn, Đỉnh nói nếu làm vua mà được ăn ốc Bụt Đồng Nàng thì ta sẽ làm vậy. Ba năm sau Đỉnh giết Việt”. Ngư dân hai dòng sông cũng từng đánh nhau chí tử, ai cũng bảo ốc Bụt thuộc về sông của họ. Quan phủ Trịnh Tường quá mệt mỏi với việc phân xử chém giết đã ra lệnh cấm săn bắt ốc trong thời gian dài. Mười hai năm đó đủ để người ta nhận ra một việc quá sức đơn giản, rằng chim trời cá nước, ai bắt được nấy ăn... Có ít còn hơn chẳng có gì.
Em Xu cũng trôi dạt về đây với giấc mơ ốc Bụt đổi đời. Gầy nhưng đỏ au, chắc nụi, Lượm bóng nước, giống như những cư dân lang bạt của Đồng Nàng, ngày nào Lượm cũng uống nước mắm giữ ấm để trầm mình vào sông lặn tìm ốc Bụt.
Anh ta nói chào chị khi bắt tay cậu, hơi kinh ngạc. Nhưng lại tỏ ra rất bình thường khi Xu nói giữa hai ngón chân cái cậu là một thứ lòng thòng.
- Thằng cha Xu không hay đi với đàn bà.
Lượm gãi cổ phân trần. Không xúc động nào hiện ra mặt khi Xu đập tay vào vai người em chỉ nhỏ hơn ba tháng tuổi, tính theo hồ sơ của trại mồ côi. Lượm cũng bình thản, những đứa trẻ mồ côi mà cậu biết đều giấu cảm xúc rất giỏi. Xu hỏi Lượm vài câu rời rạc, nhắc vài cái tên xa lạ và anh ta bối rối vì không thể không gạt cậu ra rìa.
Cậu đã từng có cảm giác áy náy đó với Xu khi Bối buộc tóc lại cho mình, xắn giùm tay áo, chia cho một tai nghe đang phát đi một bài hát bồn chồn...
Tú về nhà cậu chơi ba lần, cũng không cách nào làm Tú khỏi cái cảm giác bị rớt ngoài cuộc chuyện trò của hai mẹ con.
- Chơi thân với Ân thì xúi nó lấy vợ giùm dì. Lêu bêu hoài, rầu quá.
Mẹ nói. Tú cười rười rượi. Rồi Thùy qua ăn tối, nhỏ nhẻ gắp thức ăn cho cậu. Tú bỏ đũa đi ra ngoài hóng gió, nói cảnh ở đây đẹp nhưng buồn.
Chưa bao giờ Tú rủ cậu về Quảng. Bà nội Tú ngoài quê vài tháng lại đi Sài Gòn bảo trì quả tim hẹp van, ghé qua chỗ Tú trọ hay gặp cậu lúc thì nằm ngủ lúc giặt giũ, nấu nướng. Bà cằn nhằn: “Cái tụi này già đầu không hay, cứ quấn nhau miết thì biết chừng nào tao có chắt bồng đây”. Tối đó, lần đầu tiên Tú nói lập gia đình thì đâu có nghĩa chuyện của chúng ta chấm dứt, đúng không?
Giống như một tin nhắn vừa mới làm run rẩy điện thoại cậu: “Tú chẳng khác gì sau cái đám cưới đó, sao tụi ta lại không thể tiếp tục cùng nhau. Hay Ân đã thay đổi rồi?”.
Cậu lụp chụp gửi nhầm một tin trắng. Tú nhắn ngay: “Tú sẽ điền vào chữ nhớ vậy. Mừng húm vì cái tin trắng này”. Và Tú lại hi vọng mình ngã lòng, ý nghĩ đó làm cậu rên rẩm. Bận rộn với điện thoại, cậu lạc khỏi anh em Xu. Đi dọc xóm không có tiếng ới chào, dân cư ngồi ngó ra sông, mặt căng như chờ đợi một cái gì đó xa xôi và bất chợt, như chờ một con diều bay lạc. Càn qua bãi ý dĩ cao ngang bụng thấy có người con gái đang ngồi thả một cần câu.
- Anh là khách của Lượm, đúng không?
Cô hỏi, một tay vo vo cái hoa rau chay tím bằn bặt.
- Em thích màu bông này lắm. Tím ơi là tím - cô lại nói, trên cổ cô đeo lủng lẳng một cái còi - Anh Lượm kể chưa? Bọn em thương nhau lâu rồi.
Cô gái nhìn thẳng vào cậu, ánh mắt chằm chằm dưới hàng mi đen nhức, bảo da anh trắng thiệt đó, như con gái.
Một khúc củi mục trôi vướng vào sợi dây câu, cô gái giở cần câu lên. Hóa ra sợi dây câu rất dài, buộc một mẩu gỗ bằng lóng tay. Cô gái nói là nhánh cây mần gai.
- Ốc Bụt mà gặp cây mần gai là tụi nó hát liền. À, có con rắn mối bị kẹt trên khúc củi mục khi nãy, anh thấy không? Cái mặt anh chàng coi rầu thiệt rầu.
Cô gái cười khúc khích. Cậu không để ý. Cô gái lại giòn giã kể chuyện. Đoạn sông phía trên hay bị lở đất, mang nhiều thứ trôi ngang qua ngộ lắm. Nhiều lúc em ngồi thăm thấy nguyên một về cỏ trôi, trên đó có bầy kiến vàng chạy ngược chạy xuôi, thương gì đâu. Con chuồn chuồn đỏ vừa rồi bay ngang, anh có thấy cánh nó bị rách không?
Tự dưng cô gái lặng phắt sau một cái rùng mình. Cọng rau chay chết cứng trên tay trái. Cậu tưởng mình vừa nói gì đó không hay và làm cô trở nên tê dại. Cậu định dùng ngón tay ẩy nhẹ vào vai cô thì cô gái làm một động tác hệt như cậu đồng thoát xác, người nhũn ra, bợt bạt. Kiệt sức, cô gái vẫn cố đưa còi lên miệng thổi. Âm thanh chan loang cả ngã ba sông. Người trong các nhà sàn lao xao túa ra, và biến mất trong làn nước. Lượm cũng hớt hải bỏ cả thằng anh ngơ ngác trên bờ.
Cô gái vừa báo tin cho cả xóm biết có ốc Bụt lân la ở đáy sông. Cô nghe được tiếng hát chúng bằng một khả năng kỳ bí nào đó được trời ban tặng lại sau khi lấy đi ánh sáng năm cô chín tuổi. Cả Đồng Nàng chỉ mình cô thăm được ốc Bụt bằng dây câu buộc cây mần gai.
- Tụi nó hát buồn thảm lắm, em không thích. Anh Lượm thì thích, dù chẳng bao giờ được nghe.
Nhưng bài ca dưới đáy sông sẽ không còn vẳng đến tai cô một khi cô không còn trong trắng nữa. Trời là thằng già ỉ mình có quyền nên hay chơi ác. Bộ ván ọp ẹp của cô và Lượm nằm trong căn buồng che chắn sơ sài bằng một tấm vải, chưa từng oằn đi vì nhục cảm. Cả đêm cậu nằm cạnh buồng, hơi khó ngủ vì im ắng quá.
Xu bảo Lượm:
- Lấy con nhỏ và bỏ những con ốc Bụt đi.
Lượm tợp một ly rượu, bất cần:
- Kiếm đủ tiền đã.
Cả buổi chiều lặn ngụp Lượm chỉ kiếm được hai con ốc Bụt nhỏ bằng ngón chân cái. Thương lái người Hoa Bắc than vãn ốc Bụt Đồng Nàng ngày càng nhỏ. Cậu ăn chúng một lần ở Ngọc Viễn Đông, ngan ngát mùi gì đó gần như nhụy sen lẫn trong bùn non. Mùi gì gần như một cuống hoa ngấm nước. Mùi gì gần giống nhựa cây còn ướt. Cậu nhận ra được từng ấy thôi, những mùi khác cứ lẫn vào ngan ngát. Ông đại gia chủ bữa tiệc cho bọn nhà báo nói thứ chúng ta ăn chỉ là nước ốc, một vài con thì thấm thía vào đâu. Ốc đắt như vàng, đắt vì huyền thoại và vì bọn lái buôn Hoa Bắc. Món gì họ săn lùng đều trở nên đắt đỏ.
Kiếm đủ tiền đã. Lượm nhắc lại khi tiễn bọn cậu về. Nhưng như gã chủ quán ăn ở ngã chín Yên Hoa nói tiền là thứ người ta không bao giờ thấy đủ.
Cô gái cũng theo cuộc tiễn, nói có nhiều mây đen đang núp lùm lắm, mấy anh sẽ bị mưa cho mà coi.
Cậu hoàn toàn không có cảm giác là cô mù.
Mười ba ngày sau, khi ở Trung Sơn, có người gọi cho Xu báo tin cô bạn gái Lượm đã bỏ đi. Cô bơi ra sông và không quay về xóm nữa. Hôm đó Lượm bắt được ốc Bụt lớn bằng đầu gối, hôm đó cũng có người chết dưới đáy sâu.
- Tụi này nghi ngờ thằng Lượm giết ba tôi để cướp ốc. Đang tìm bằng chứng. Nếu đúng vậy thì nay mai ông về lấy xác đứa em ông.
Người đó nói. Bọn cậu rà soát trong trí nhớ mình gương mặt nào đã từng ngồi nhậu vui vẻ với mình ở Đồng Nàng là chủ nhân của giọng nói lạnh lùng trong điện thoại kia.
Cậu đã từng lặn xuống quãng nước ở ngã ba Đồng Nàng. Tay đã chạm vào vách của hai con nước. Nước sông Di lạnh nhức, và nước Lạc Giang thì ấm như bên kia vách nước có một đống lửa.
Cậu bứt rứt tự hỏi sao mình không nhận ra chút u ám nào trên gương mặt cô gái nọ. Mọi thứ ở cô cứ trong veo, ngời ngợi. Chẳng biết cô đi vào sông đến với những con ốc Bụt biết hát hay bỏ đi khỏi Đồng Nàng. Ở lại thì mãi mãi cô sẽ chẳng bao giờ được yêu đến tận cùng thân xác.
Phải gắn bó đến độ nào thì mới có thể linh cảm về nhau. Tại sao lúc mẹ vật vã đau mà cậu vẫn tóm lấy cúc cu Tú ngủ ngon lành? Tại sao lúc chị San chuẩn bị cho giấc ngủ để đời cậu lại điềm nhiên vác balô lang thang miền cát.