TTCT - Năm tôi tám tuổi người dì duy nhất của tôi bị bệnh nặng qua đời. Hình ảnh cuối cùng mà tôi lưu giữ về dì là cảnh đứa con gái hơn một tuổi của dì được cho vào gặp mẹ lần cuối.
Đứa bé trông thấy dì vừa bật ra những tiếng ê a đầy vui thích vừa vạch áo dì lên bú lấy bú để núm vú thâm đen. Mẹ tôi đã trụ được qua cái giây dì tắt thở, nhưng trước cảnh đó mẹ không chịu đựng nổi. Mẹ ngất lịm.
Lúc đó tôi không khóc. Tôi quay mặt ra ngoài cửa sổ. Mắt tôi nhìn đăm đăm cây bằng lăng đang trổ hoa, nhưng tâm trí tôi không thể nào dứt khỏi cảnh tượng đang diễn ra trong căn phòng ngột ngạt. Tôi cảm thấy từ một góc bí mật nào đó rất sâu trong con người mình một ngọn lửa bắt đầu được nhóm lên. Mãi về sau tôi mới biết gọi tên ngọn lửa đó là ước mơ.
Một ngọn lửa ước mơ sinh ra từ đau thương.
Những ngọn lửa ước mơ sinh ra từ đau thương thường rất mãnh liệt, không dễ gì dập tắt được. Điều ấy cũng mãi sau này tôi mới biết.
***
Mười bảy tuổi tôi trốn nhà đi thi đại học. Tôi coi đó là một cái tội, bởi vì tôi biết nếu tôi thi đỗ thì tôi sẽ chất lên vai cha mẹ thêm một gánh khổ.
Khi ấy nhà chúng tôi đang đứng trên bờ vực của sự khánh kiệt. Trước khi tôi đi thi, mưa lớn đã hoành hành hơn hai ngày trời. Đầm cá cha tôi thầu của hợp tác xã, cái “hố nước đỏng đảnh” mà gia đình tôi đã đổ tất cả tiền vốn, công sức, niềm tin và hi vọng vào có nguy cơ bị mất trắng.
Về sau tôi nghe đứa em con dì kể lại rằng sau khi tôi đi mẹ tôi đã phải rất khôn khéo mới lừa được cha tôi vào căn buồng, bày rượu và mấy củ lạc rang ra, dỗ cha tôi uống rồi thừa lúc cha không để ý khóa nghiến cửa lại. Cha tôi uống say, lăn ra ngủ suốt bảy tiếng. Khi cha tỉnh dậy, thấy trời vẫn mưa xối xả cha gần như hóa điên. Cha gào lên từ phía sau cánh cửa: “Mở cửa! Mở cửa cho tao đi cứu đầm cá của tao! Mở cửa!”. Cha gào liên tục, gào át cả tiếng mưa giội trên mái tôn. Trong lúc cha gào thét, đầm cá tức nước vỡ bờ.
Mẹ tôi đã biết chắc cơ sự ấy thế nào rồi cũng xảy ra. Mẹ ngồi ngoài hiên, chỗ mưa hắt vào thảng hoặc. Đến lượt mẹ uống rượu. Mẹ uống rượu như uống phải mật cá mè. Mặt mẹ rúm ró, nước mắt mẹ giàn giụa chảy thành hai hàng xuống đôi gò má đen sạm.
Mưa tạnh được nửa ngày, ngó qua khe cửa thấy cha ngồi dựa người vào bao thóc như người chết lả mẹ mới mở khóa cửa buồng. Tưởng cha không còn sức mà đứng dậy nữa, ai ngờ cánh cửa vừa bật mở, cha đã lao ra ngoài, nhanh hơn cả tốc độ của luồng ánh sáng lọt vào buồng.
Đi thi về đến nhà, nghe nói cha đang ở ngoài đầm cá tôi vội chạy ra đó. Tôi thấy cha đang lặn ngụp trong làn nước đục ngầu. Tôi không biết cha mò gì, tìm gì giữa biển nước mênh mông ấy, hay cha dầm mình xuống đó cốt để dìm đi cái cảm giác tiếc của và nỗi phẫn uất trước sự tàn nhẫn của thiên tai.
Đứng trên mỏm bờ đầm đã bị sóng nước gặm nham nhở, tôi vắt kiệt sự khôn ngoan của một thằng con trai mười bảy tuổi để nói lý với cha. Tôi bảo cha rằng đằng nào thì đầm cũng vỡ bờ rồi, đằng nào thì cá cũng đi hết rồi, cha có lặn ngụp dưới đó cả ngày cũng chẳng vớt vát được gì. Tôi còn dám nói với cha rằng rồi cha con tôi sẽ đắp lại bờ đầm, sẽ lại nuôi mẻ cá mới, rằng ý chí của con người sẽ chiến thắng tất cả mọi trở ngại.
Lúc ấy nhìn cái đầu của cha nhấp nhô, nhấp nhô trong dòng nước vẫn đang nổi sóng vì gió to tôi sợ mất cha quá chừng nên mới mạnh mồm nói ra được những lời như thế, chứ thực lòng tôi không biết chúng tôi lấy tiền vốn đâu ra mà làm lại từ đầu. Tôi không biết tôi đã nói gấp gáp, thống thiết đến mức nào, nói trong bao lâu cho đến khi từ trong họng tôi chỉ bật ra được hai tiếng “Cha ơi!”.
Rồi hai tiếng ấy cũng tắc nghẹn.
Cái đầu của cha mỗi lúc một cách xa mỏm bờ đầm nơi tôi đứng. Hoảng quá tôi chạy về nhà tìm mẹ. Nghe tôi tả cảnh cha lặn ngụp ngoài đầm nuôi cá, mẹ tôi chạy thốc ra ngõ. Chưa đầy mười phút sau mẹ tập hợp được hai người bác của tôi cùng những đứa con trai của họ. Tôi và đám đàn ông ấy lội xuống đầm, vây lấy cha như vây một con vịt không chịu vào đàn, lôi cha lên bờ, dìu cha về nhà.
Mẹ không phải lừa để nhốt cha trong buồng tối nữa. Cha bị viêm phổi cấp phải nằm viện. Cơ thể cha phản ứng với một số thuốc kháng sinh khiến quá trình điều trị càng trở nên khó khăn và tốn kém. Mẹ tôi van lạy hết người này đến người khác. Van lạy các bác sĩ cứu sống cha. Van lạy những người họ hàng để vay tiền. Van lạy tôi đừng có đứng trơ ra nhìn mẹ trong những lúc quẫn bách. Quả thật trong những lúc quẫn bách muốn sai bảo gì tôi mẹ cứ luôn miệng nói: “Mẹ lạy mày, mau chân lên cho mẹ nhờ...”.
Trong những ngày quẫn bách ấy, vào một buổi chiều, tôi cùng lúc nhận được giấy đòi nợ ngân hàng và giấy báo điểm thi đại học. Tôi tức tốc đạp xe đến bệnh viện. Trên đường đi tôi tính nói với cha mẹ đủ điều, thế nhưng khi tôi bước chân vào cửa phòng bệnh nơi cha tôi nằm, những lời lẽ tôi chuẩn bị sẵn trong đầu dường như bị một cục tẩy vô hình xóa sạch trong tích tắc. Tôi đứng trơ ra.
Cha tôi ra viện, chưa hoàn toàn bình phục đã phải đối mặt với những khoản nợ. Những khoản nợ đó không thật lớn, nhưng như người ta nói, chúng tôi đã “phá sản”, nên mọi món nợ đều là nợ xấu. Dù chỉ đòi được một đồng người ta cũng đòi róng riết. Cha mẹ tôi bàn nhau bỏ làng ra đi.
Chúng tôi chuyển về quê ngoại sống nhờ trong căn nhà của ông bà tôi. Cha tôi học nuôi giun đất trên mảnh vườn gần như bị bỏ hoang của ông bà. Cha tôi mát tay. Lũ giun mắn đẻ. Trong vòng chưa đầy một trăm ngày chúng tôi đã có được lứa giun đầu tiên. Cha tôi bỏ công đi thuyết phục những hộ nuôi gia cầm trong vùng mua giun. “Mua giun đi”, có lúc tôi rợn tóc gáy khi nghe tiếng rao bán giun của cha tôi vang vang trong một con ngõ dài. Cha cũng có khiếu bán hàng. Ban đầu người ta mua thử giun của cha, sau đó người ta mua thật, mua thường xuyên.
Mảnh vườn và dải bờ cồn nhà ông bà tôi trở thành thế giới rộn ràng của những con giun đất. Những con giun dũi trong lớp đất xốp, quấn vào nhau thành búi đẻ ra hàng nghìn, hàng vạn con giun con.
Hằng ngày tôi chở giun đất đi bán khắp làng trong xóm ngoài. Đám con trai trong làng gọi tôi là “Trí giun”. Tôi biết chẳng ai ưa cái biệt danh ấy. Tôi cũng biết có những đứa con gái chỉ nhìn thấy một con giun bé tí tẹo bò trên mặt đất đã rú lên kinh hoàng như thể nhìn thấy quái vật. Nếu những đứa con gái ấy biết hằng ngày tôi để những con giun bò trong lòng bàn tay, bốc từng búi giun bỏ vào thúng, nói về chuyện giun ăn, giun đẻ thì họ sẽ chết khiếp. Vì thế nên tôi hầu như không kết bạn với ai.
Những con giun đất nuôi sống chúng tôi. Kể ra như vậy đã là nhiều. Nhưng điều đó không đủ làm cha tôi hài lòng. Cha cũng có ngọn lửa nào đó cháy âm ỉ ở trong người. Cha bắt đầu vay mượn tiền thuê ruộng dựng một trang trại nuôi gia súc, gia cầm. Chúng tôi bắt đầu từ vài con lợn và vài chục con gà lai. Chúng tôi tạo ra một cơ chế dinh dưỡng đơn giản mà hợp lý cho đám gia súc, gia cầm và loài giun đất. Phân gà, phân lợn được dùng làm thức ăn cho giun. Giun trở thành thức ăn cho gà, lợn.
Ngay trong năm đầu tiên lập trang trại nhà tôi đã thu lợi đáng kể. Sau năm thứ hai tiền thu được từ những lứa lợn, lứa gà xuất trại đủ để chúng tôi trang trải các món nợ mà nhà tôi mắc phải từ khi cha thầu đầm nuôi cá. Ban ngày tôi cũng như cha miên man với đám giun đất và những đàn lợn, đàn gà. Buổi tối cha về nhà chính, uống rượu, nghe đài, còn tôi ở ngoài trang trại, thức và ngủ giữa tiếng kêu ụt ịt của những con lợn háu ăn và tiếng quang quác của những con gà không lúc nào hết bồn chồn.
Cha tôi khen tôi có chí làm giàu, có thể trở thành một chủ trang trại. Những lúc ngọn lửa trong cha bùng lên dữ dội, cha vạch ra một tương lai tươi sáng của một trang trại có hệ thống tưới tiêu hiện đại, có những cái máy ấp trứng tân tiến, có xe tải nhỏ để chuyên chở nông phẩm, và có nhiều thứ khác nữa.
Cha không biết tôi có ngọn lửa của riêng mình.
Bốn năm trôi qua kể từ khi nhà tôi phá sản vì nuôi cá. Một hôm tôi đang ủ phân gà ở cái góc xa nhất của trang trại thì bị mẹ gọi về. Bước vào ngõ tôi thấy cha đang đi đi lại lại trong hiên, tay phải cầm một chiếc phong bì và một tờ giấy khổ A4, tay trái chém không khí liên hồi như muốn minh họa cho một lời tuyên bố hùng hồn.
“Mày vào đây, vào đây ngay” - cha nói lớn với tôi như thể tôi đã gây ra chuyện gì đó nghiêm trọng. Tôi lẳng lặng bước tới chỗ cha.
- Mày trốn cha mẹ đi thi đại học hồi nào? - cha nghiêm giọng hỏi.
- Hồi con bảo con đi tìm mua giống gà lai chọi - tôi đáp, giọng thành thực.
- À, thì ra mày dối cha dối mẹ. Mày không có gan nói thật phỏng?
- Nói thật làm gì cha, lỡ con thi trượt mẹ lại xót tiền... với lại xấu hổ chết.
- Mày học hồi nào mà thi?
- Tối nào con chả học.
- Mày học ngoài trại gà?
- Vâng.
Cha im lặng vài giây, rồi thủng thẳng nói.
- Cha cộng ba môn... mày được 29 điểm. Mày thi trường y thế này là đỗ oách hay đỗ thường?
Nghe cha nhắc đến con số 29 tôi muốn reo lên như một cầu thủ bóng đá vừa ghi bàn thắng quan trọng, nhưng vì đang bị cha hỏi tội nên tôi kìm cảm xúc lại. Tôi bắt chước cha, im lặng vài giây rồi thủng thẳng:
- Chắc là suýt đỗ thủ khoa đó cha.
Cha thốt lên một tiếng kêu trời đầy hoan hỉ rồi cha lại nghiêm giọng hỏi:
- Mày thi lần này là lần thứ mấy rồi hả? Cha hỏi như thể cha nghi năm nào tôi cũng trốn cha mẹ đi thi đại học.
Tôi lại im lặng vài giây. Rồi tôi trả lời rành rọt:
- Lần thứ hai.
- Lần trước mày trượt?
- Không ạ.
- Mày đỗ?
- Vâng.
- Mày nói lạ.
Tôi không cãi cha, lẳng lặng đi vào buồng lật cuốn sổ tay lấy ra giấy báo điểm thi đại học được cất trong đó suốt bốn năm trời.
Cha cầm tờ giấy cũ, đọ nó với tờ giấy mới, rồi cha cúi xuống những con chữ, lẩm nhẩm đọc “Trường đại học y...”, ngày tháng..., toán tám, hóa chín, sinh chín. Miệng cha lại bật ra tiếng kêu trời hoan hỉ.
Lúc ấy cha đã nhận ra tôi cũng có ngọn lửa của riêng mình. Những ngọn lửa của ước mơ sinh ra từ đau thương thường rất mãnh liệt, không dễ gì dập tắt nổi.