TTCT - Anh là một giám đốc sở. Quyền lực và danh tiếng. Sau sáu ngày làm việc miệt mài, ngày chủ nhật là ngày thư giãn đúng nghĩa của anh.
Hoặc mang cần câu về các miền quê câu cá cùng mấy ngư hữu, nướng con cá rô đồng bên bờ sông uống rượu. Hoặc ngồi tỉ mẩn bấm sửa từng chậu kiểng nơi gác xép, cái không gian riêng. Hoặc đóng cửa phòng vùi đầu vào các trang kiếm hiệp của Kim Dung...
Những thú vui này tao nhã và có ích cho đời sống tâm hồn. Nhưng cũng có điều bất lợi: ngày này, người cùng vai vế thường sử dụng cho những tính toán khác, chẳng hạn giao du với các sếp, hoặc tranh thủ những ‘‘phi vụ’’ làm ăn, bất tận những quyền, tiền, tình... Cái lối sử dụng ngày chủ nhật của anh lập tức khiến anh trở nên lạc điệu, lập dị trong giới quan quyền. Nhưng thôi, đó không phải là vấn đề trong truyện này.
Chuyện anh chơi cây, ngoài việc thư giãn, thưởng lãm, còn một lẽ khác, đơn giản và hiển nhiên như cuộc sống. Nhà ở mặt đường, lớp cây lá trước gác còn có tác dụng như bức bình phong xanh cản bớt khói bụi, tiếng ồn thị thành. Mỗi sớm thức dậy, anh chế bình trà, tưới cây xong ngồi thưởng thức cùng hương hoa và cái dịu mát trong lành của ban mai trước khi đến cơ quan. ‘‘Bình minh sổ trản trà’’ hóa ra thật có lý, nhiều lần anh gật gù tâm đắc thâm ý và sự sành điệu của người xưa.
Sáng đó, lúc tưới cây, anh phát hiện trong chậu nguyệt quế một con khướu đang run rẩy nép mình. Anh đưa tay về phía nó, con chim hoảng sợ cố chớp cánh nhưng không thể bay nổi. Nó bị thương và đã kiệt sức, trên cánh có vết máu, nhiều lông tã tượi. ‘‘Chim ơi đừng sợ! Tao giúp mày nhé!’’. Chắc giọng nói dịu dàng và vẻ mặt anh khiến con vật yên tâm, nó nằm yên trong tay anh tin cậy. Anh tìm thuốc, cho chim uống và lấy nghệ tươi xức vết thương rồi bỏ vào hộp giấy. Trưa về, anh mua mấy con cào cào khuyến khích chim ăn. Vài ngày, thấy dấu hiệu bình phục rõ, anh mua cho nó cái lồng. Chưa đầy một tuần, con khướu đã hoàn toàn khỏe mạnh.
Vẻ quyến luyến của con khướu khiến anh nảy ý thích nuôi chim, chơi chim, cái thú chơi trước đây anh không ủng hộ vì cho rằng dù ở lồng vàng cũng là sự giam hãm tàn nhẫn nhằm thỏa mãn sở thích con người, khi môi trường sống của chim là trời rộng. Giờ anh thấy giống vật này cũng có thể thích nghi với không gian chật hẹp, và nhất là có tình với chủ.
Đã có hồ cá, cây cảnh. Thêm góp ý bạn bè, anh bổ sung mấy lồng chim. Anh gặp gỡ hỏi thăm giới sành chim, lắng nghe họ một cách cầu thị. Ai cũng hài lòng chỉ bảo. Rồi mua sách về nghiên cứu đặc tính từng giống chim hót, chim cảnh, hiểu thêm về lý thuyết các bí quyết thuần dưỡng... Dần dần cái gác nhỏ của anh có khá nhiều giống chim: cu cườm, đội mũ, bảy sắc, chích chòe, chim sâu..., nhưng anh quý nhất vẫn là con khướu. Con chim cũng cảm nhận được cái tình của chủ nên có những biểu hiện tinh khôn. Nghe tiếng xe máy anh về dưới nhà, trên gác nó hót vang. Lồng chim treo ở cầu thang, có khách đến nó hót chào, và như lời báo cho chủ.
Đàn chim khiến anh bận rộn hơn, đi làm về là trần mình ra dọn phân, thay nước, cho chúng ăn. Rồi đổi chỗ cho phù hợp với từng giống ở mỗi thời khắc. Cuối tuần cho chim tắm nắng, tắm nước. Đàn chim trả ơn bằng sắc lông mướt đẹp, tiếng hót ríu ran. Cùng với cây, cá cảnh, chúng góp phần biến căn gác anh thành một góc thiên nhiên kỳ thú giữa thị thành.
Hai bên nhà anh là hai bức tường của nhà cao tầng. Căn gác thụt về phía sau nhưng mái lợp đã phủ hơn nửa khoảng trống, dùng làm nơi tiếp bạn bè. Chỉ còn một phần bên trên và phía trước... Anh nảy ý nới rộng không gian cho chim khướu bằng cách phủ qua lớp lưới mắt cáo. Nghĩ là làm. Cũng lui cui cùng mấy anh em thợ cả ngày chủ nhật, phụ dịch chuyển các thứ cho việc dựng khung, hàn lưới... Rồi “điều chuyển”, phân bố lại từng khóm phong lan rải ra dưới lưới, kê lại các chậu cảnh. Để có không gian mới cho con khướu, không gian quen thuộc của anh cũng phải điều chỉnh là đương nhiên. Anh thấy vui và hài lòng.
Lúc anh mở cửa lồng, con chim nghiêng ngó có vẻ ngạc nhiên một chút rồi bay ra, ngỡ ngàng và thích thú. Nó vẫy cánh thong thả một lát rồi lân la lại gần anh. Anh động viên nó bằng cử chỉ, bằng giọng nói dịu dàng, âu yếm. Con chim đã đậu trên tay anh, gại gại mỏ nũng nịu đòi ăn...
Anh luôn khoe tài thuần dưỡng chim của mình. Phải nói là anh đã thật mê chim. Lúc rỗi ngồi chơi ở đâu cũng khoe cũng kể về đàn chim, nhất là con khướu. Anh đắc ý nhất chuyện đám chim quen hơi quen tiếng, anh vừa dừng xe dưới nhà là cả bọn được chim khướu ‘‘chỉ huy’’ rộ lên hót chào. Bạn bè nhiều lần đùa vui rằng ‘‘cái sợi dây tình trói buộc mới đáng sợ biết bao!’’. Nghe ra cái giọng có vẻ “khen đểu” nhưng anh lại rất mãn nguyện với lời “khen” ấy. Và dù có hơi cực nhọc, tốn thời gian, trừ lúc đi công tác xa, anh không bao giờ để vợ con phải rớ tay vào việc chăm sóc đàn chim. Phần không muốn phiền vợ con, phần lo vì không thực mê thích, cách làm vô tình của mọi người có thể khiến lũ chim hoảng sợ.
Con khướu từ ngày được mở cửa lồng càng tỏ ra gắn bó với anh hơn. Nó bay vào giường ngủ của anh, bay lên bàn thờ Phật mổ chuối hoặc ghẹo anh bằng khả năng ‘‘bách thanh’’, nhại giọng các giống chim khác khiến anh giật mình ngỡ có con nào sổ lồng. Những lúc buồn bực, nhìn kiểu tự do, nghịch ngợm của chim khướu, lòng anh vơi đi nhiều.
Cũng như vài giống vật khác, anh tin rằng chim có thể thuần dưỡng làm bầu bạn, trung thành và tri kỷ. Sao lại không? Đã có nhiều chuyện kể về cái tình của những vật nuôi với chủ đấy thôi. Mà không cứ gì chuyện tri kỷ, với những vật nuôi làm cảnh đặc biệt, người chủ có thể được tôn vinh, sang trọng hơn về vật chất hoặc giàu có hơn về tâm hồn.
Anh không quan tâm lắm đến các màu vẻ trang trí, chỉ cốt để thưởng lãm, tuy nhiên, ít nhất trong trường hợp này, con khướu đã làm thay đổi suy nghĩ của anh về chuyện chim lồng cá chậu. Và về cái tình trong cuộc sống. Ngay trong hành vi cảm hóa con vật, anh tin rằng con người đã tự hoàn thiện mình hơn!
Nhưng, một ngày chủ nhật, anh quyết định cởi bỏ tấm lưới mắt cáo!
Vài người bạn đến chơi hôm ấy bảo đấy là việc làm kỳ quặc, không cần thiết. Còn anh lý luận hơi cực đoan và duy lý rằng người ta thường sống bằng cái na ná chứ không phải chính nó, tin rằng có hoặc không hơn là xác tín có hay không một điều gì! Là nói thế thôi, vấn đề không phải chỗ xác tín. Chính anh cũng hiểu không thể lấy bất kỳ điển hình tinh túy quá khứ nào lặp lại mà còn nguyên ý nghĩa cho hôm nay. Vậy nên, thời gian hoàn toàn có lý do để tồn tại.
Anh làm điều đó trong cơn phấn khích của sự thành công, còn xác định đúng điểm dừng lại luôn là việc làm quá khó với con người. Chính điều này phân định ranh giới giữa ảo tưởng với niềm tin, hi vọng: sự khác biệt không nhiều nhưng đúng nghĩa niềm tin, hi vọng lại là bản chất sự sống.
Anh đã rào và giờ đã gỡ bỏ tấm lưới.
Con khướu lúc đầu chỉ luẩn quẩn trong giới hạn cũ. Nó đã quen với vùng không gian ấy, quen với sự khuôn lại của tấm lưới lâu nay nên không để ý đến sự thay đổi ghê gớm con người vừa thực hiện. Nó thản nhiên xù lông dọa lũ cá qua tấm kính hoặc nghiêng ngó quanh các chậu cảnh, tìm con cào cào. Có lúc nó sán lại bên anh bày tỏ tình cảm như mọi khi. Anh cùng mấy người bạn nâng cốc chúc mừng ‘‘cái sợi dây tình...’’.
Đâu đó trong vòm xà cừ bên kia đường có tiếng chim hót. Con khướu nghiêng đầu lắng nghe. Nó chuyền ra bụi cừa tàu ngoài cùng, nhại các thứ tiếng chim, từ đội mũ, bạc má đến chính nó..., và ngước nhìn tàn cây, nhìn bầu trời. Tiếng con chim lạ đã im bặt nhưng con khướu không thôi hót...
Giờ chỉ là tiếng hót của riêng nó, của chính nó, lảnh lót và tha thiết. Chắc là nó mong gặp lại một thanh âm phản hồi lắm, âm thanh đã khơi gợi niềm vui và nỗi nhớ trong nó mới quanh quất vòng vọng. Không có phản hồi. Tiếng chim đâu đó ở ngoài kia đã ngừng từ lâu.
Anh lặng người theo dõi rồi huýt sáo gọi nó lại. Nó có vẻ ngỡ ngàng nhận ra một điều gì đó, bay vào quẩn quanh trong vùng không gian quen thuộc mấy bận rồi bay sang bóng lá bên kia đường. Nó hót không ngừng nghỉ suốt buổi sáng hôm ấy. Tiếng hót của nó có lúc chìm trong âm thanh xe cộ, trong tiếng ồn xưởng cơ khí gần đó. Cũng có thể những âm thanh xa vọng là tiếng chim trong lồng nhà ai hoặc tiếng chim trong chính anh, cái âm thanh thân quen chỉ mình anh cảm nhận và kỳ vọng?
Mọi người không thốt nổi một lời đùa cợt khi anh cầm cái lồng của con khướu ra mắc sát hiên, mở toang cửa và vẻ mặt thẫn thờ. Anh mắc cái lồng ở đây để con khướu nếu có quay về như một thói quen tình cờ, sẽ dễ dàng nhận ra cái nhà cũ của nó.
Cái lồng không thì cụ thể quá, còn khái niệm tự do lại uyển chuyển quá! Chim khướu đã bay rồi! Chắc nó đã thấy đâu là bầu trời của nó.
Dẫu sao, hành vi vừa rồi của anh cũng thắc thỏm một nỗi âu lo: bầu trời cao rộng ấy vẫn thấp thoáng đâu đó những họng súng săn và bẫy rập... Anh nói bằng lời nỗi âu lo ấy như thể đó mới là điều quan trọng, là điều duy nhất đáng bận tâm.