Liên đoàn Bóng đá Đông Timor (FFT) ra đời năm 2000, nhưng lần lượt đến năm 2002 rồi 2005, họ mới được kết nạp vào LĐBD châu Á (AFC) và FIFA.
Nhưng thời kỳ đầu của bóng đá Đông Timor rất khó khăn. Họ chỉ tham dự các giải đấu cho "có tên" mà chưa dám nghĩ tới việc tạo dấu ấn. Trong lần đầu tiên dự một giải không chính thức ở khu vực - giải U23 Đông Nam Á tổ chức tại Thái Lan năm 2005, Đông Timor thua cả ba trận, xếp chót bảng A, ghi một và để thủng lưới 14 bàn. Thực lực yếu khiến FFT quyết định chưa vội tham dự hai kỳ SEA Games 2005 và 2007.
Năm 2009, khi SEA Games diễn ra trên đất Lào, FFT mới quyết định cử đại diện tham gia. Tuy nhiên, hành trình lần đầu đem chuông đi đánh xứ người đó của nền bóng đá non trẻ này cũng lắm chuyện ly kỳ và khôi hài.
Hai ngày trước trận ra quân, U23 Đông Timor mới đến Vientiane chỉ với 15 cầu thủ, nhưng phân nửa số này… quá tuổi dự SEA Games. Được ban tổ chức tạo điều kiện tối đa và cộng thêm nỗ lực không mệt mỏi từ FFT, đến sát giờ thi đấu với U23 Malaysia, U23 Đông Timor mới gom góp đủ quân số đúng độ tuổi.
Do tập hợp vội vàng và thiếu tổ chức (không có bác sĩ riêng và trợ lý HLV thủ môn), trận đấu đầu tiên trên đấu trường SEA Games của Đông Timor đã trở thành một cơn ác mộng khi họ bị U23 Malaysia đè bẹp với tỷ số 0-11.
Đông Timor từng thua U23 Việt Nam 0-4 ở SEA Games 25 trên đất Lào. Ảnh: Hạnh Quân.
Sang lượt trận thứ hai gặp U23 Việt Nam, Đông Timor có chút tiến bộ thể hiện qua việc cầm hòa 0-0 đến hết hiệp một, nhưng sau đó họ vẫn thua đậm 0-4. Đội bóng non trẻ này sau đó thua tiếp Campuchia 1-4, Thái Lan 0-9 và kết thúc vòng bảng ở vị trí đội sổ với hiệu số bàn thắng thua là (1-28).
Ấn tượng từ thủ đô Vientiane đối với tân binh Đông Timor lớn đến mức cho đến trước trận thắng thứ hai liên tiếp của đội bóng xứ đảo tại SEA Games 26, không ai có thể nghĩ rằng Đông Timor là một đối thủ đáng gờm ở bảng B.
Cú sốc ở Lebak Bulus
Nhưng cũng từ cơn ác mộng ở Vientiane, FFT đã rút ra một kết luận quan trọng về thực lực của bóng đá nước nhà, để từ đó đề ra hướng đi mới. Với dân số ít ỏi và việc không có bóng đá chuyên nghiệp, FFT tranh thủ lực lượng cầu thủ ngoại nhưng có trong mình dòng máu Đông Timor.
Bảy cái tên như vậy, năm từ Brazil và hai từ Australia, trải đều trên cả ba tuyến đã được gọi vào làm nòng cốt cho U23 Đông Timor sang Indonesia. Nổi bật là Emerson Cesario, thủ môn đội trẻ của CLB Brazil Corinthians, hậu vệ Raul Issac đang đá cho CLB Australia North Sunshine Eagles, tiền vệ Sousa từ đội trẻ của CLB Brazil, Botafogo, và tiền đạo đội trưởng Jesse Pinto, vốn là một cầu thủ lai từng chơi bóng ở Australia nhưng nay ...thất nghiệp.
Chỉ tập hợp lại với nhau một tháng trước SEA Games, nhưng đội hình Đông Timor chơi khá nhuyễn. Trận ra quân với U23 Brunei, U23 Đông Timor có chiến thắng đầu tiên trong lịch sử khi lực lượng cầu thủ nhập tịch chơi thứ bóng tấn công đẹp mắt và lật ngược tình thế để hạ đối thủ 2-1 sau khi bị dẫn bàn từ hiệp đầu. Trong trận này, Brunei được trang tin của Liên đoàn bóng đá Đông Nam Á đánh giá là "chơi nhanh và quyết liệt".
Đến trận thứ hai, trước một U23 Philippines đầy tự tin và quyết thắng để giành vé vào bán kết, đội quân của HLV Viera làm nên cú sốc lớn khi thắng tiếp với cùng tỷ số 2-1. Sau hai trận thắng này, thực lực của Đông Timor được khẳng định và không còn ai nghĩ rằng họ ăn may nữa.
Trong lúc cả bảng B còn đang ngỡ ngàng về thành tích của Đông Timor, thì HLV Viera lại tỏ ra bình tĩnh: "Những chiến thắng này đối với tôi không có gì là bất ngờ. Đội bóng của chúng tôi có dàn cầu thủ tốt. Vấn đề là làm thế nào để kết họ lại thành một thể thống nhất và phát huy được tiềm năng của từng người. Và trên thực tế, các chàng trai của chúng tôi đã bộc lộ phẩm chất của mình trong hai trận đấu vừa rồi".
Bảng B mới qua hai lượt trận và vẫn còn quá sớm để dự báo về khả năng đi tiếp. Nhưng chắc chắn là chỉ với chiến thắng liên tiếp vừa qua, U23 Đông Timor đã viết nên một trang mới cho nền bóng đá non trẻ của họ, cũng như ghi một dấu ấn trong lịch sử làng bóng đá Đông Nam Á. Nhưng họ có vẻ không muốn dừng lại ở vị thế của một chú ngựa ô, một bất ngờ thú vị của giải.