Mỗi khi biên đội xuất kích ra khơi, các chiến sĩ luôn căng mắt trên radar và qua quan sát thực tế để bám mục tiêu lạ, xua đuổi các tàu xâm phạm chủ quyền.
“Phương án đi biển đã sẵn sàng, biên đội xuất phát!”. Sau mệnh lệnh của người chỉ huy, con tàu Cảnh sát biển rẽ sóng rời Trung tâm Cảnh sát biển Vùng 2 (Kỳ Hà, Núi Thành, Quảng Nam), đưa những người lính tiến ra khơi.
Khi chúng tôi đến Trung tâm Cảnh sát biển Vùng 2 trên chiếc tàu sơn màu xanh nước biển in dòng chữ Viet Nam Marine Police, những người lính trẻ măng mặc sắc phục, mang quân hàm màu tím đang tất bật nổ máy vận hành tàu.
Sẵn sàng xuất kích
Tiếng chuông trên tàu reo vang. Thượng úy Vũ Đức Tuyên - thuyền trưởng tàu Cảnh sát biển 4033, hạ mệnh lệnh: “Chuẩn bị trang bị vật chất sẵn sàng đi biển, phương án đã được chuẩn bị, đúng giờ G, tàu xuất phát!”.
Cảnh sát biển kiểm tra thiết bị, vũ khí trên tàu trước giờ lên đường làm nhiệm vụKhi những người lính biển quy tụ đông đủ trên boong, lướt qua hàng quân mới thấy rằng, cái nắng và gió biển dày dạn vẫn không phủ lấp được cái nét trẻ măng của những người lính biển. Phần lớn các cán bộ, chiến sĩ trên tàu đều thuộc thế hệ 8X. Và có một điểm chung nhất, đó là các chiến sĩ đều quê miền đất Bắc.
Vì nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo, các anh về đây và quanh năm dãi dầu với thiên tai khắc nghiệt của biển miền Trung. Phần lớn họ được đào tạo trong Trường Hải quân, một số chiến sĩ thuộc Lữ đoàn Hải quân biên chế sang Cảnh sát biển. Họ đều là những chiến binh đầy kinh nghiệm tác chiến trên biển cả.
Tại tháp súng trên boong tàu ghi hàng chữ: “Đoàn kết, hiệp đồng, lập công tập thể” như một lời nhắc nhở những người lính phải gắn kết anh em như 5 ngón tay trên một bàn tay khi ra biển thực hiện phương án tác chiến. Ngồi trên tháp pháo, thiếu úy Nguyễn Xuân Hưng, đưa mắt nhìn vào kính ngắm, đôi bàn tay thoăn thoắt xoay mâm điều khiển. Nòng pháo chĩa thẳng lên trời, ánh mắt của người xạ thủ luôn dõi về phía trước.
Hai bên hông tàu, những khẩu đại liên cực nhanh đặt trên giá trở thành một thứ vũ khí năng động cho các chiến sĩ tác chiến trên biển. Những xạ thủ phụ trách tổ đại liên và pháo đều gắn tai nghe để thuyền trưởng truyền đạt mệnh lệnh từ đài chỉ huy. Mỗi khi biên đội xuất kích ra khơi, các chiến sĩ luôn căng mắt trên radar và qua quan sát thực tế để bám mục tiêu lạ, xua đuổi các tàu xâm phạm chủ quyền.
Cứu người giữa đại dương
Thượng úy Đặng Lê Sơn - thuyền phó tàu 4033 vui vẻ kể lại những kỷ niệm trong những chuyến bám biển. Ngày 23-9-2010, trong lúc làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát tại vùng biển Quảng Ngãi, tàu Cảnh sát biển phát hiện tàu Xuân Chiểu mang số hiệu SG - 3626 đang bị chết máy, trôi dạt trên biển, cách đảo Lý Sơn 40 hải lý.
Cập mạn, anh em Cảnh sát biển qua hỗ trợ về nước ngọt và lương thực cho tàu bị nạn. Sau khi giúp đỡ các thuyền viên và khắc phục sự cố, máy tàu Xuân Chiểu rung lên bần bật theo niềm vui của các thuyền viên. Tiếp tục hải trình về đảo Lý Sơn, các thuyền viên trên tàu bị nạn vẫy tạm biệt những người lính biển hào hiệp
Vùng 2 Cảnh sát biển thường xuyên làm nhiệm vụ tuần tra trên vùng biển từ đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị) đến vùng biển đảo Cù Lao Xanh (Bình Định). Trong đó, vùng biển Lý Sơn (Quảng Ngãi) là địa bàn trọng điểm, được tàu thường xuyên tăng cường tuần tra.
Trong một chuyến đi khác vào đầu tháng 4-2011, trên đường tuần tra ra đảo Song Tử Tây thuộc quần đảo Trường Sa, anh em trên tàu Cảnh sát biển đã gặp chiếc tàu của ngư dân tỉnh Quảng Ngãi mang số QNG - 95406 bị nạn. Chiếc tàu này đang kêu gọi ngư dân đến cứu giúp.
Thượng tá Lý Ngọc Minh - Tham mưu trưởng Vùng 2 Cảnh sát biển, trực tiếp sang gặp các ngư dân và nghe họ trình bày hoàn cảnh. Nhìn khuôn mặt các ngư dân phờ phạc sau những ngày mất ngủ vì lo lắng, chỉ huy tàu đã quyết định giúp các ngư dân khắc phục sự cố máy móc, hỗ trợ nước ngọt và 200 lít dầu để họ tiếp tục hành trình.
Một trong những kỷ niệm sâu sắc nhất đối với các chiến sĩ Vùng 2 Cảnh sát biển là tối ngày 24-10-2010, tàu Cảnh sát biển 6006 cùng 29 chiến sĩ ra quần đảo Hoàng Sa để đón 9 ngư dân bị nạn vì Trung Quốc bắt giữ và kéo tàu của ngư dân Mai Phụng Lưu (Lý Sơn, Quảng Ngãi) về đất liền.
Chuyến đi này thực sự mang nhiều ý nghĩa – ngoài việc cứu người, đây là lần đầu tiên những người lính biển tiến đến sát vùng đất máu thịt của Tổ quốc giữa trùng khơi. Cả đi lẫn về là 4 ngày đêm. Cách đảo Tri Tôn 40 hải lý, anh em trên thuyền xúc động nhìn con tàu nhỏ nhoi của ngư dân đang dập dềnh trên sóng nước. Cạnh tàu cá là chiếc tàu lớn được trang bị hiện đại của hải quân Trung Quốc.
Kết thúc hành trình 2 ngày đêm trở về Cảng Dung Quất, hàng ngàn người dân và phóng viên báo chí ra đón đoàn. Anh em Cảnh sát biển xúc động khi nhìn thấy những giọt nước mắt rơi trên khuôn mặt của các ngư dân và của thân nhân họ.
Trò chuyện với các chiến sĩ Cảnh sát biển, mới biết mỗi chuyến ra khơi của họ kỷ niệm bao giờ cũng đầy ắp. Hải trình vượt qua hàng ngàn hải lý, luôn làm dày thêm trang nhật ký. Đối với các anh, biển thực sự là nhà.