Đón con đi học về, chị Mỹ phát hiện hai túi quần bé nhét đầy các mảnh xếp hình. Biết con lấy những thứ này của trường, chị Mỹ mỉm cười bảo "Ở nhà có nhiều rồi, con lấy làm gì" rồi cất lại vào ba lô cho bé.
"Mình cũng định mang đồ vào trả cho cô giáo nhưng sợ cô nghĩ con xấu sẽ ghét con nên thôi, cũng chỉ là vài thứ nhỏ nhặt mà", chị Mỹ (khu đô thị Mỹ Đình, Từ Liêm, Hà Nội) kể.
Vài hôm sau, chị Mỹ bận nên nhờ bố bé đến đón. Lúc về, thấy cô con gái 3 tuổi rưỡi tuổi đi một đôi dép màu đỏ lạ, chị Mỹ nghĩ do chồng mang nhầm cho con nhưng hỏi ra mới biết, cháu cố tình xỏ vào. "Sao Nhím không đi dép của con mà lại lấy của bạn", chị hỏi. Cô con gái trả lời: "Con thích đôi màu đỏ này cơ, không thích đôi màu tím kia đâu". "Thôi, mai con mang dép đến trả bạn rồi mẹ mua cho đôi giống thế này nhé", chị Mỹ thủ thỉ.
Gần đây, chị Mỹ bắt đầu lo lắng khi thấy con ngày càng hay "mang nhầm" đồ của các bạn khác về và cô giáo cũng phàn nàn trong lớp bé rất hay tranh đồ chơi của bạn.
Anh Thành (Đào Tấn, Ba Đình, Hà Nội) thì vô cùng bực bội khi thi thoảng lại thấy cậu con trai hơn 4 tuổi mang đồ chơi ô tô, siêu nhân... của mấy bạn hàng xóm về nhà mình.
"Tôi mắng con và bắt mang trả bạn thì nó khóc lóc ầm ĩ, cuối cùng mình lại muối mặt cầm sang xin lỗi nhà người ta. Vừa tối hôm trước, thấy cu cậu chạy đi một loáng đã chạy về, giấu một túi thạch trong bụng, bố hỏi thì bảo là 'bác Ngân cho' nhưng tôi biết thừa không phải nên đã đánh cho một trận vì cái tội đã ăn cắp lại còn nói dối", anh Thành kể.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Quý, Hội tâm lý Giáo dục Việt Nam, cố vấn đường dây tư vấn bảo vệ trẻ em 18001567, cho biết, trẻ nhỏ thường muốn sở hữu những đồ vật mình thích, dù đó không phải là của mình. Thật ra, các bé dưới 6 tuổi chưa hiểu khái niệm ăn cắp, ăn trộm và cũng không biết hành vi này là xấu nên bố mẹ chớ quy kết con, nhưng cũng không được bỏ qua, cần có thái độ nghiêm khắc để việc này không lặp lại, trở thành thói quen xấu.
Theo nhà tâm lý, sẽ rất tai hại nếu phụ huynh làm ngơ hoặc hùa vào đùa vui khi thấy con "cầm nhầm" đồ của người khác vì điều này có thể khiến trẻ tái diễn hành vi xấu và ảnh hưởng tới cả nhân cách khi trưởng thành. Ngược lại, việc la mắng, đánh, hay gọi trẻ là "bé tí đã tắt mắt", hoặc "đồ ăn cắp"... sẽ khiến các bé sợ hãi, thu mình lại và có thể tìm cách nói dối, giấu giếm những lần sau.
Tiến sĩ Kim Quý cho biết, ngay lần đầu phát hiện con lấy đồ của người khác, cần thể hiện thái độ không đồng ý và nói rõ với con: "Đây là đồ của bạn, không phải là của con. Con lấy của bạn là không tốt. Con làm vậy mẹ rất buồn. Con không bao giờ được làm thế nữa. Bây giờ con hãy mang trả lại và xin lỗi bạn". Sau đó, bạn hãy động viên con thực hiện việc này.
Các bậc phụ huynh cũng cần hỏi xem lý do con lấy món đồ đó. Nếu đó là thứ bé thật sự thích và chưa có, bạn có thể nói: "Nếu con ngoan, khi nào sinh nhật con (hay một dịp nào đó gần tới) mẹ sẽ mua cho con". Tuy nhiên, bạn không nên mua ngay cho trẻ bởi việc này có thể khiến bé hiểu nhầm là cứ lấy món đồ nào về thì sẽ được mẹ mua cho thứ khác.
Theo chuyên gia, sau sự việc này, bố mẹ cũng nên quan tâm để ý tới con hơn. Nếu hôm sau thấy con không "cầm nhầm" nữa, phụ huynh nên khen ngợi bé. Ngược lại, khi hành vi này tái diễn, cần tỏ thái độ nghiêm khắc, đồng thời có thể phạt trẻ, bằng việc không cho những gì con thích (như không đi chơi, không ăn kem...) chứ không phải là đánh, chửi con.
"Gieo hành vi gặt thói quen, gieo thói quen gặt tính cách, gieo tính cách gặt số phận, vì thế, bố mẹ không nên bỏ qua những hành vi xấu của con, dù khi bé còn rất nhỏ", nhà tâm lý chia sẻ.
Một điều rất quan trọng là bố mẹ cần làm gương cho con về lối sống trung thực. "Có bà mẹ làm ở cửa hàng kinh doanh sữa, thấy đồ chơi của hãng tặng kèm sữa đẹp thì lấy trộm mang cho con chơi, hay cũng có phụ huynh nói dối người khác trước mặt con... Tất cả đều vô tình tạo một tấm gương xấu, khiến trẻ học theo lúc nào không biết", nhà tâm lý nói.
Minh Thùy