Kỷ niệm 62 năm Ngày Thương binh, liệt sĩ 27-7: Tưởng niệm vô biên, biết ơn vô hạn...
Các cựu binh và nhân dân tới viếng nghĩa trang Đường 9. Ảnh: TTXVN
Hơn 3.000 bông hồng và hàng trăm ngọn nến đã được đặt lên những ngôi mộ ở nghĩa trang liệt sĩ Phú Quốc trong chiều tối qua.
Hơn 400 cựu tù nhà lao Cây Dừa từ khắp mọi miền đất nước đã về lại đảo Phú Quốc để làm lễ giỗ cho những đồng đội của mình đã hy sinh trên đảo Phú Quốc ngày 25-7. Một lễ giỗ đơn giản nhưng nghiêm trang, thành kính.
Lễ giỗ đầu tiên ở nhà lao Cây Dừa
Có khoảng 4.000 tù binh cộng sản đã bị tra tấn, đánh đập, bắn giết tại nhà lao Cây Dừa trong tổng số 40.000 người bị giam giữ. Đồng đội của những cựu tù đã chịu đựng những đòn tra tấn dã man nhất, tàn bạo nhất của một nhà tù đế quốc Mỹ với những thủ đoạn tàn ác: xẻo da, xẻo thịt, đóng đinh vào đầu, vào xương, nhốt chuồng cọp và xả súng hàng loạt vào trại tù...
Cựu tù Trần Minh Quốc từ quê Triệu Phong (Quảng Trị) nói: “Nếu chiến tranh còn kéo dài, chắc chúng sẽ giết hết tất cả tù binh chúng tôi. Bây giờ gặp lại động đội mừng bao nhiêu thì lại thương xót cho những người đã hy sinh bấy nhiêu. Cái đau hơn nữa là còn hàng ngàn đồng chí của mình vẫn đang nằm dưới lòng đất chưa tìm thấy”.
Ông Dương Văn Giá quê ở Nghệ An, bị địch bắt ra đảo tù đày năm 1969, xúc động nói: “Đây là lần đầu tiên tôi trở lại Phú Quốc sau giải phóng. Hòn đảo hoang vu năm nào giờ đã thay đổi nhiều quá. Hôm qua, tôi gặp lại người bạn tù ở cùng phòng, hai đứa cứ ôm nhau khóc. Khóc mừng vì biết bạn mình còn sống và khóc cho những người bạn đã qua đời”.
Cùng ngày, tại nghĩa trang liệt sĩ đảo Phú Quốc, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã tổ chức đại lễ cầu siêu bạt độ cho các anh linh chiến sĩ cách mạng, bộ đội, tù nhân chính trị, tù binh vượt ngục đã vì nước hy sinh. Hơn 400 nhà sư từ các chùa lớn trong cả nước và hơn 1.000 Phật tử đã về dự. Từ trong ý nghĩa tri ân, báo ân, những người thắp nén nhang kính cẩn tin rằng: với lòng tưởng niệm vô biên, biết ơn vô hạn, đồng cảm vô cùng, lòng từ bi chan hòa pháp giới sẽ giao cảm với anh linh các anh hùng chiến sĩ trong thế giới vô hình.
Hơn ba ngàn bông hồng và hàng trăm ngọn nến đã được đặt lên những ngôi mộ ở nghĩa trang liệt sĩ Phú Quốc.
Cầu siêu cho hơn 10.000 liệt sĩ nghĩa trang Đường 9
Đại lễ cầu siêu chẩn tế vong linh các anh hùng liệt sĩ đã được tổ chức long trọng tại nghĩa trang Đường 9, Quảng Trị vào ngày 25-7. Đại lễ có sự góp mặt của hơn 200 tăng ni, Phật tử của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Hội Phật giáo các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế cùng hàng ngàn cựu chiến binh, thân nhân liệt sĩ và nhân dân đến tham dự dưới cái nắng như đổ lửa, gió Lào rát bỏng.
Trong buổi sáng đã diễn ra nhiều lễ nghi quan trọng theo nghi thức của giáo hội như lễ tiếp linh, phát tấu, triệu linh, cúng Phật đại khoa, cúng ngọ. Đến 15 giờ cùng ngày, chư tăng đã tụng kinh cầu siêu cho vong hồn liệt sĩ đã xả thân vì đất nước hòa bình, thống nhất. Và 18 giờ 30 đã tổ chức lễ trai đàn chẩn tế, mông sơn thí thực và lễ thắp nến cho hơn 10.000 ngôi mộ ở nghĩa trang.
Trong hơn 10.000 nấm mộ nơi nghĩa trang này đã có hơn 5.000 ngôi mộ vô danh. Đặc biệt, nằm ở phía đông nam của nghĩa trang là nơi an nghỉ của năm nấm mồ liệt sĩ tập thể, trong đó có hai ngôi mộ chôn chung 80 liệt sĩ chưa biết tên và một ngôi mộ 105 liệt sĩ có tên của các chiến sĩ Trung đoàn 48, Sư đoàn 320 hy sinh ngày 2-2-1968 tại chiến trường Quảng Trị.
Đại lễ cầu siêu do Thượng tọa Thích Quảng Tùng - Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam chủ trì, là một trong những nghi lễ cầu siêu có quy mô lớn, hoành tráng nhất tại chiến trường Quảng Trị từ trước tới nay.
Tự hào chiến sĩ Tiểu đoàn K3-Tam Đảo
Ngày 25-7, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã tiếp đoàn cựu chiến sĩ Tiểu đoàn K3-Tam Đảo (bộ đội địa phương Quảng Trị). Đây là đơn vị đã chiến đấu trong chiến dịch 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị mùa hè năm 1972, đóng góp to lớn cho chiến thắng ngày 30-4-1975.
Chủ tịch nước khẳng định các chiến sĩ Tiểu đoàn K3-Tam Đảo, cùng quân và dân cả nước, có quyền tự hào về những năm tháng chiến đấu đóng góp vào chiến thắng chung của đất nước. Chủ tịch nước mong các cựu chiến sĩ tiếp tục phát huy truyền thống hào hùng, góp sức trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
Sáng nay (26-7), tại nghĩa trang liệt sĩ Đường 9, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài và Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam long trọng tổ chức lễ tri ân, tưởng niệm anh linh và tôn vinh các anh hùng liệt sĩ tại nghĩa trang Đường 9 đã hy sinh tuổi trẻ, máu xương đóng góp to lớn vào sự nghiệp giải phóng đất nước. Đại lễ có sự tham gia của 20 đại sứ và các sinh viên Việt kiều.
Buổi tối cùng ngày sẽ diễn ra lễ khánh thành nhà hành lễ và bến thả hoa trên sông Thạch Hãn, đồng thời tổ chức buổi giao lưu với chủ đề “Ký ức chiến tranh và khát vọng hòa bình” tại khu di tích Thành cổ Quảng Trị.